
Báo cáo phân tích Ngành/Lĩnh vực
Báo cáo về các ngành nghề lĩnh vực, cập nhật diễn biến ngành cùng với khuyến nghị đầu tư
18 thg 4, 2025
Ngành điện_Cập nhật Quy hoạch 8 điều chỉnh
Ngày 15/4/2025, Chính phủ đã Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện 8 tại Quyết định số 768/QĐ-TTg
Quy hoạch điều chỉnh đặt mục tiêu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân 10% mỗi năm giai đoạn 2026-2030, và khoảng 7,5% thời kỳ 2031-2050. Do đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu vào 2030 dự kiến đạt 560,4- 624,6 tỷ kWh và lên đến 1.360,1-1.511,1 tỷ kWh vào 2050.
Trọng tâm lớn của Quy hoạch điều chỉnh là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, với mục tiêu chiếm tỷ lệ 28-36% vào năm 2030, và 74-75% năm 2050 (không bao gồm thủy điện).
17 thg 4, 2025
Báo cáo phân tích dự báo Kỳ review ETF theo chỉ số VN30 trong T4.2025
Báo cáo phân tích dự báo Kỳ review ETF theo chỉ số VN30 trong T4.2025
Ngày 2/4/2025 Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) công bố thay đổi ngày hiệu lực áp dụng của chỉ số đợt xem xét định kỳ theo đó ngày hiệu lực áp dụng cập nhật tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của Bộ chỉ số HOSE-Index sẽ chuyển ngày hiệu lực từ ngày 05/05/2025 sang ngày 28/04/2025
Với rổ chỉ số VN30, danh mục các cổ phiếu không có thay đổi trong kỳ review này. Tuy nhiên đợt cơ cấu này là đợt đầu tiên áp dụng quy tắc bộ chỉ số HOSE Index phiên bản 4.0. Một trong những điểm đáng chú ý nhất là tỷ trọng cố phiếu trong VN30 sẽ có thay đổi đáng khi bổ sung điều kiện “Nhóm cổ phiếu cùng ngành: tỷ trọng vốn hóa tính toán là 40%.
Hiện tại có 4 quỹ ETF đang tham chiếu chỉ số VN30 Index với tổng quy mô tài sản ước tính khoảng hơn 7,944 tỷ Việt Nam đồng. Trong kỳ cơ cấu lần này, chúng tôi dự báo các quỹ ETF phần lớn sẽ bán ròng các cổ phiếu nhóm tài chính (ngân hàng, chúng khoán) trong khi đó mua ròng lại các nhóm ngành khác. Tuy nhiên tác động sẽ không quá lớn do rất ít cổ phiếu có mức độ SLCP giao dịch/TB giao dịch 1 tháng ở mức trên 50%.
26 thg 3, 2025
Cập nhật ngành Cảng&Vận tải biển 2024
Vững vàng trước thương chiến
Giá cước vận tải container biến động mạnh từ đầu năm 2024 do căng thẳng địa chính trị ở Biển Đỏ khiến các hãng tàu phải thay đổi quãng đường xa hơn bằng cách đi vòng qua mũi Hảo Vọng. Tính đến T2/25, giá cước container 40’ đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt xuống mức 2,629 USD/FEU, giảm 58% so với mức đỉnh T7/24 nhờ các hãng tàu đã dần thích nghi với lịch trình mới. Tuy nhiên giá cước hiện tại vẫn cao hơn 120% so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Trong năm 2024, lượng hàng container thông qua hệ thống cảng Việt Nam tăng trưởng 21% svck đạt gần 30 Teu. Theo dữ liệu sơ bộ từ TCTK, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 15% svck đạt 785 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 120 tỷ USD xuất khẩu trong 2024, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với 144 tỷ USD nhập khẩu, chiếm 37,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 2024.
Nhìn chung, KQKD đã phản ánh xu hướng tăng trưởng chung của ngành trong Q4/24. Doanh thu và lợi nhuận của ngành Cảng&Vận tải biển đều tăng trưởng svck từ mức nền thấp trong năm 2023. Đối với ngành dịch vụ cảng, biên LN gộp đi ngang ổn định ở mức 38.3% (+0.4 điểm % sv quý trước, -0.1 điểm % svck) trong Q4/24. Đối với ngành vận tải biển, biên LN gộp tăng trưởng mạnh lên 14% (+1.3 điểm % svck, +2.6 điểm % sv quý trước) trong Q4/24 nhờ giá cước vận tải và cho thuê tàu định hạn cao hơn svck.
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu ngành tăng 12.0% svck đạt 5,878 tỷ đồng và LNTT tăng 7.0% svck đạt 1,646 tỷ đồng trong Q1/2025. Tính cả năm 2025, doanh thu ngành tăng 9.4% svck đạt 27,687 tỷ đồng, tương ứng với LNTT tăng trưởng 5.6% svck đạt 7,243 tỷ đồng.
19 thg 3, 2025
Báo cáo ETF
Báo cáo phân tích dự báo kỳ review của 2 quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF & FTSE Vietnam Swap UCITS ETF
Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS etf tái cơ cấu danh mục hạn chót vào ngày 21/3/2025:
* Chỉ số FTSE VietNam Index được review định kỳ theo quý, công bố 07/03/2025 và có hiệu lực từ 24/03/2025. Theo đó Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS etf sẽ tái cơ cấu danh mục hạn chót vào ngày 21/03/2025.
* Ở kỳ đánh giá này, FTSE Vietnam Index thêm mới SIP và không loại mã nào. Sau kỳ cơ cấu, chỉ số sẽ có 32 cổ phiếu thành phần
* Theo số liệu từ Bloomberg, FTSE VietNam Swap UCITS ETF là quỹ ETF có giá trị tài sản ròng xếp thứ 4 từ trên xuống tại thị trường Việt Nam với quy mô 266.59 triệu USD
* Trong kỳ cơ cấu lần này, chúng tôi ước tính FTSE VieNam Swap UCITS ETF có khả năng sẽ mua thêm khoảng hơn 7 trăm nghìn cổ phiếu SIP và giảm tỷ trọng của các cổ phiếu khác.
VanEck Vietnam ETF sẽ tái cơ cấu danh mục hạn chót vào ngày 21/3/2025
* VanEck VietNam ETF là quỹ etf có cơ cấu danh mục dựa trên chỉ số MVIS Vietnam Index. Chỉ số này cũng có lịch review vào cuối mỗi quý và hạn chót để VanEck VietNam ETF cơ cấu lại danh mục theo kỳ review của chỉ số MVIS VietNam Index là ngày 21/03/2025. Sau khi review, chỉ số sẽ có 46 cổ phiếu thành phần
VanEck VietNam ETF có quy mô tổng tài sản 417.82 triệu USD vẫn đang đứng thứ 3 về quy mô chỉ sau Fubon FTSE Vietnam ETF, DCVFMVN Diamond ETF.
* Trong kỳ cơ cấu lần này, chúng tôi dự báo các mã thành phần Vaneck VietNam ETF có mua bán ròng/thanh khoản bình quân tháng của các cổ phiếu không quá lớn và chỉ mua ròng mạnh mã NAB do mới được thêm vào chỉ số.
Xu hướng dòng vốn ETFs trên thị trường Việt Nam: Tại Việt Nam, lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay các quỹ ETF đã bị rút ròng khoảng 113 triệu USD. Các quỹ chịu ảnh hưởng rút ròng lớn nhất bao gồm Fubon FTSE Vietnam ETF (-37.3 Triệu USD); VanEck Vietnam ETF (-31.9 triệu USD) và DCVFMVN 30 ETF (-25.7 triệu USD)
18 thg 3, 2025
Ngành thép
Báo cáo Cập nhật nhanh về kết luận điều tra CBPG HRC và mức điều chỉnh hạn ngạch bảo hộ thép tấm của EU
Ngày 14/03, EC đã thông báo kết luận sơ bộ đối với vụ việc điều tra CBPG được khởi xướng từ ngày 08/08/2024 đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ các quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Ai Cập. Theo đó, EC đã công bố không phát hiện hành vi bán phá giá của HRC Ấn Độ, trong khi sẽ áp thuế CBPG tạm thời đối với 3 quốc gia còn lại từ 6,9%-33,0% kể từ ngày 07/04 tới đây. Đối với Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh và các doanh nghiệp khác sẽ phải chịu mức thuế 12,1% khi xuất khẩu HRC vào EU trong khi Hòa Phát sẽ không bị áp thuế. Mức thuế chính thức dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 07/10/2025.
Trong trường hợp mức thuế chính thức không thay đổi so với mức thuế sơ bộ hiện tại, chúng tôi nhận thấy EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của HRC Việt Nam xét tới việc chênh lệch giá bán HRC tại 2 thị trường hiện đang ở trên mức 30%. Chúng tôi lưu ý rằng trong cả năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 727.000 tấn HRC sang EU, giảm 37% so với 2023 nhưng xếp thứ 6 về sản lượng xuất khẩu khi so với các nước khác. Chúng tôi cũng cho rằng Hòa Phát sẽ dành thêm được thị phần xuất khẩu HRC do không phải chịu thuế CBPG khi xuất khẩu vào EU trong trường hợp không thay đổi kết luận sơ bộ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo hộ của Hiệp hội thép châu Âu, EC đã khởi xướng đánh giá và chỉnh sửa mức hạn ngạch bảo hộ đối với các sản phẩm thép từ tháng 12/2024. Mới đây, EC đã công bố đề xuất đối với hạn ngạch bảo hộ cho các mặt hàng thép nhập khẩu. Đề xuất này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/04/2025.
Theo đó, đối với sản phẩm HRC, sản lượng HRC từ “các quốc gia khác” được miễn thuế trong hạn ngạch quý 2/2025 được điều chỉnh về mức 856.769 tấn/quý, giảm 7,4% so với mức hạn ngạch trong quý 1 và giảm 8,4% so với mức hạn ngạch quý 2 được công bố vào kỳ đánh giá tháng 07/2024. Mức trần tỷ trọng phân bổ hạn ngạch cho mỗi quốc gia trong mục “Các quốc gia khác” cũng được điều chỉnh giảm từ 15% về 13%. Do Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia khác nên điều này đồng nghĩa với việc sản lượng HRC được miễn thuế khi xuất khẩu vào EU trong quý 2/2025 của Việt Nam sẽ vào khoảng 111.380 tấn, giảm 19,7% so với mức hạn ngạch trong quý 1/2025. Trong trường hợp mức trần tỷ trọng hạn ngạch trên không thay đổi, chúng tôi ước tính sản lượng HRC được miễn thuế khi xuất khẩu sang EU của Việt Nam trong 2025 có thể đạt 472.906 tấn (giảm 14,9% so với hạn ngạch ước tính trong năm 2024).
Đối với sản phẩm tôn mạ, mức trần tỷ trọng hạn ngạch đối với sản phẩm tôn mạ sản xuất ô tô 4B từ nhóm “Các quốc gia khác” là 20% trong khi đối với sản phẩm tôn mạ 4A là 25%. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng tôn mạ của Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu đi EU sẽ vào khoảng 139.000 tấn/quý, bao gồm 118.012 tấn/quý đối với sản phẩm tôn mạ 4A và 20.954 tấn/quý đối với tôn mạ sản xuất ô tô 4B. Chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam đã xuất khẩu 321.405 tấn tôn mạ vào EU chỉ trong quý 4/2024, chiếm hơn 56% tổng hạn ngạch được cấp cho nhóm “Các quốc gia khác”. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc áp dụng mới mức trần tỷ trọng hạn ngạch hiện tại khả năng cao sẽ khiến sản lượng tôn mạ Việt Nam xuất khẩu đi EU giảm mạnh bắt đầu từ quý 2/2025.
28 thg 2, 2025
Ngành thép
Báo cáo Cập nhật Ngành thép 2025
Trong năm 2024, sản lượng tiêu thụ của hầu hết các loại thép tại thị trường nội địa đều tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nhu cầu tiêu thụ thép tại cả lĩnh vực xây dựng và công nghiệp duy trì trạng thái tích cực, trong đó:
• Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ nội địa tăng 10,2% YoY trong năm 2024
• Sản lượng HRC tiêu thụ nội địa tăng 29,7% YoY trong năm 2024
• Sản lượng tôn mạ tiêu thụ nội địa tăng 18,4% YoY trong năm 2024
Tại thị trường xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu tôn mạ và thép xây dựng tiếp tục tăng mạnh svck năm ngoái nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại trong khi xuất khẩu HRC tiếp tục giảm svck năm ngoái, cụ thể:
• Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng tăng 18,9% YoY trong năm 2024
• Sản lượng tôn mạ xuất khẩu tăng 34,5% YoY trong năm 2024
• Sản lượng HRC xuất khẩu giảm -35,9% YoY trong năm 2024
Chúng tôi cập nhật dự phóng tăng trưởng sản lượng các loại thép trong 2025 như sau:
• Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng 6% trong 2025F
• Dự phóng sản lượng tiêu thụ tôn mạ trong 2025F gần như đi ngang so với 2024
• Dự phóng sản lượng tiêu thụ HRC trong 2025 của Formosa và Hòa Phát sẽ tăng trưởng 39% YoY trong 2025F nhờ hỗ trợ từ thuế CBPG HRC tạm thời vừa được công bố.
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng thép xây dựng cùng HRC Trung Quốc hiện đã giao dịch tại vùng giá đáy, biến động trong biên độ hẹp (dưới 5%) và có thể có mức tăng nhẹ trong năm 2025 nhờ vào mức tồn kho thép xây dựng đang ở mức thấp cùng kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi chậm và nhu cầu tiêu thụ thép cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng duy trì tăng trưởng mức tăng trưởng thấp.
21 thg 2, 2025
Ngành thép
Báo cáo Cập nhật nhanh về thuế CBPG HRC
Bộ Công Thương (MOIT) mới đây đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mức thuế này, dao động từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 08/03/2025.
VPBankS Research cho rằng đây là thông tin rất tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất HRC Việt nam như HPG do mức thuế CBPG công bố cao hơn nhiều mức chênh lệch thường thấy của HRC Việt Nam và HRC Trung Quốc. Chúng tôi lưu ý rằng, giá bán HRC của Hòa Phát và Formosa luôn cao hơn giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc từ 15- 45 USD/tấn (tương ứng với mức chênh lệch 2,9% - 9% so với giá HRC Trung Quốc). Với mức thuế chống bán phá giá như trên, chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ HRC tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp như HPG, FHS sẽ có động lực để tăng mạnh do sản lượng tiêu thụ HRC hàng năm của 2 doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu hiện tại.
Đối với các công ty tôn mạ phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như HSG, NKG, quyết định này sẽ có tác động tiêu cực. Tuy nhiên nhóm các công ty này đã chủ động giảm thiểu rủi ro này bằng cách đa dạng hóa nguồn HRC đầu vào. Hơn nữa, từ báo cáo tài chính quý 4.2024, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp này đang ghi nhận giá trị tồn kho nguyên vật liệu cùng hàng mua đi đường ở mức cao hơn so với trung bình, cho thấy có sự tích trữ trước HRC đầu vào trước khi quyết định CBPG được công bố. Vì vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng tác động tới các doanh nghiệp như HSG, NKG sẽ không đáng kể. Trong dài hạn, các doanh nghiệp tôn mạ sẽ phải chấp nhận sử dụng HRC nội địa hoặc nhập khẩu từ những nguồn khác Trung Quốc với giá HRC cao hơn giá HRC Trung Quốc.